Có được cấp sổ hồng cho chung cư có sai phạm hay không?

Đăng ngày: 28/9/2018

Một trong những tranh chấp, khiếu nại ở các chung cư hiện nay đều liên quan đến sổ hồng. Đặc biệt, việc có được cấp sổ hồng cho chung cư có sai phạm hay không là điều mà nhiều người dân quan tâm.

Tại TP.HCM, hàng trăm dự án chung cư đã bàn giao từ nhiều năm nhưng cư dân vẫn không nhận được sổ hồng. Lý do vì những vi phạm khi triển khai dự án của chủ đầu tư. Hiện tại, cơ quan chức năng đang có một số phương án cấp sổ hồng cho chung cư có sai phạm để đảm bảo quyền lợi người dân, nhưng điều này khó có thể triển khai.

Tìm phương ánh hợp lý việc cấp sổ hồng cho chung cư

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, tính đến cuối tháng 7/2018 có 115 dự án chung cư với 58.782 trường hợp đã được cấp sổ hồng cho người mua căn hộ. Hiện còn hơn 18.800 hồ sơ đang chờ nộp thuế để sở ký cấp giấy và 1.885 trường hợp chưa nộp hồ sơ.vBàn về việc gỡ vướng với việc cấp sổ hồng cho chung cư,ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thừa nhận người dân vẫn còn rất nhiều bức xúc trong khâu cấp sổ hồng dù TP.HCM đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều.

Vì việc cấp sổ hồng cho chung cư, căn hộ hay một dự án phụ thuộc vào nhiều bên, từ chủ đầu tư đến các ngành liên quan, đôi khi còn có nguyên nhân từ phía người dân chứ không riêng của cơ quan cấp giấy. Vì vậy, để giải quyết tình trạng trên, TP.HCM sẽ tập trung giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân, trường hợp nào đủ điều kiện cấp giấy thì cấp ngay cho hộ đó, còn những sai phạm của chủ đầu tư để xử lý sau.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc cấp sổ hồng cho chung cư sai phạm là chủ trương thống nhất của UBND và HĐND TP.HCM. Theo ông Châu, hiện nay ở các dự án chưa cấp sổ hồng, hầu hết người tiêu dùng đều không sai, theo hợp đồng mua bán họ đều đã đóng đến 95% giá trị căn hộ.Ông Châu cho rằng về phía HoREA, hoàn toàn đồng ý với phương án này và rất muốn sớm có văn bản triển khai vì đó là điều hợp tình. Hiện nay, những căn hộ chưa được cấp sổ hồng đang là mầm mống gây ra những tranh chấp tại chung cư.

Phối hợp liên ngành để giải quyết

HoREA cũng đã đề nghị Sở Xây dựng thống kê các trường hợp vi phãm pháp luật về Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản…Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cần phải xem về các vi phạm về pháp luật đất đai. Sở Tài chính phải xem xét các vi phạm của chủ đầu tư trong nghĩa vụ thuế… Nói tóm lại là cần phải có sự phối hợp liên ngành để từ đó phân loại sai phạm của các chủ đầu tư.

“Quan điểm của HoREA thì các trường hợp xây dựng sai phép, trái phép, cơi nới thì chuyện này nên xử lý chủ đầu tư, còn người mua đã thực hiện đúng hợp đồng thì nên cấp chủ quyền cho họ” – Ông Châu chia sẻ.

Hiện nay có một trường hợp người mua nhà đã đóng 95% giá trị căn hộ nhưng dự án lại đang bị chủ đầu tư giải chấp. Đã có những đề xuất phải cấp sổ hồng, tuy vậy vấn đề này theo các chuyên gia pháp lý là khá khó vì nếu cấp sổ hồng thì trường hợp khách hàng được cấp lại mang đi thế chấp ở ngân hàng A, trong khi đó, chủ đầu tư cũng đang thế chấp ở ngân hàng B, dẫn tới một tài sản lại thế chấp ở 2 ngân hàng.

Chính vì vậy, TP.HCM đã có những nghiên cứu và đề xuất, những trường hợp chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo phải chuyển ngay cho cơ quan công an để điều tra xử lý theo quy định; những dự án chủ đầu tư và khách hàng tranh chấp có tính chất dân sự thì chuyển tòa án giải quyết; những dự án sai phép, vi phạm quy hoạch, không bảo đảm an toàn cho người dân thì kiên quyết xử lý, buộc chủ đầu tư khắc phục. Tuy nhiên, những trường hợp dự án có vi phạm, nhưng không ảnh hưởng nhiều có thể xem xét cấp sổ hồng cho dân trước rồi xử lý chủ đầu tư sau.

Nguồn theo: TBKD