3 yếu tố làm nên sức hút của BĐS Việt với nhà đầu tư ngoại

Đăng ngày: 17/8/2015

Theo bà Võ Thị Phương Mai, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của công ty Cushman & Wakefied Việt Nam, thị trường địa ốc Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn vẫn đang có sức hút lớn với các nhà đầu tư khu vực châu Á.

Ý kiến trên được bà Mai đưa ra tại hội thảo “Bất động sản Việt Nam – Cơ hội vươn ra thế giới” vừa được tổ chức tại Tp.HCM vào tuần trước.

Cụ thể, bà Mai nhận xét, xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản (BĐS) tại châu Á thường được các nhà đầu tư (NĐT) chia theo hai nhóm gồm: nhóm thị trường chính (core market) gồm các nước Hong Kong, Nhật Bản, Singapore, Úc… (nhóm 1) và nhóm thị trường mới nổi (emerging market, nhóm 2).

Những nhà đầu tư không thích mạo hiểm thường nhắm tới nhóm thị trường chính, đây là thị trường đã phát triển ổn định, ít rủi ro vì thế tỷ suất lợi nhuận cũng không cao.

can-ho-tp

Trong khi đó, nhóm thị trường mới nổi gồm các nước như Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Philippines, Thái Lan… lại là lựa chọn ưa thích của những nhà đầu tư kỳ vọng dòng vốn được lưu chuyển thật nhanh, tỷ suất lợi nhuận cao, tuy nhiên rủi ro thường cao hơn nhóm thị trường chính.

Ngoài hai nhóm trên còn có một nhóm nữa là thị trường trong tương lai. Điển hình là trường hợp của Myanmar do nền kinh tế, cơ sở hạ tầng còn đang trong giai đoạn phát triển nên để thu hồi vốn đầu tư và đạt lợi nhuận cao, nhà đầu tư phải mất nhiều thời gian.

Bà Mai cho biết, thông qua tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư bất động sản tại thị trường châu Á, Cushman & Wakefied nhận thấy có một số đặc điểm nổi bật của các nhà đầu tư BĐS Châu Á. Theo đó, giá trị đầu tư của họ trong giai đoạn từ năm 2000 – 2005 chủ yếu tập trung ở các thị trường nhóm 1, nhưng từ năm 2005 đến nay, nhóm 2 tăng trưởng và bắt đầu có phần nhỉnh hơn nhóm 1.

Tính riêng trong quý I/2015, trong nhóm 5 nước ASEAN thuộc nhóm 2, Malaysia là quốc gia dẫn đầu về thu hút vốn vào thị trường BĐS với hơn 3,6 tỷ USD; thấp nhất là Indonesia với 163,1 triệu USD.

Trong 6 tháng đầu năm nay, nếu xét theo loại hình đầu tư thì khoảng 2% các nhà đầu tư BĐS nhắm đến thị trường nhà ở, 67% các nhà đầu tư nhắm đến phát triển các dự án lớn, 2% nhà đầu tư hướng đến phân khúc khách sạn, 17% các nhà đầu tư nhắm đến BĐS văn phòng và khoảng 3% nhà đầu tư nhắm đến khu công nghiệp, còn lại 9% nhà đầu tư quan tâm BĐS bán lẻ.

Với thị trường BĐS Việt Nam, các nhà đầu tư ngoại thường hỏi chúng tôi rằng: Những dự án BĐS nào ở Tp.HCM đang hoạt động và dòng tiền tương đối ổn định? Đây cũng chính là một trong nhiều tiêu chí nhà đầu tư ngoại chọn để quyết định đầu tư vào thị trường địa ốc Việt Nam.

Đáng chú ý, nhà đầu tư ngoại thường chuộng các dự án tại khu vực trung tâm của các thành phố lớn và đâu đó là những dự án nghỉ dưỡng ven biển (ở các thành phố du lịch). Phần lớn những dự án này nằm trong phân khúc trung và cao cấp.

Nhà đầu tư ngoại hiện có những đánh giá cao về thị trường BĐS Việt Nam vì GDP vẫn đang tiếp tục tăng trưởng, dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng, nhất là gần đây lãi suất đã được điều chỉnh theo hướng dễ chịu hơn, nhiều quy định với thị trường BĐS cũng bước đầu được “cởi trói”…

Tuy vậy, các nhà đầu tư ngoại cũng tỏ rõ mong muốn các tiêu chí quy hoạch phải rõ ràng (trong khu vực có dự án, nội tại từng dự án) để họ dễ dàng hơn trong việc định ra bài toán kinh doanh hiệu quả cho dự án trong tương lai.

Hơn nữa, trong vấn đề xúc tiến đầu tư, các nhà đầu tư ngoại thường ấn tượng với bên kêu gọi đầu tư có sự điều nghiên kỹ lưỡng về thị trường và phát triển dòng sản phẩm bám sát nhu cầu thực của người mua nhà.

(Theo Doanh nhân Sài Gòn Online)