Lợi dụng quy định bảo lãnh dự án làm chiêu trò bán hàng
Một quy định mới trong Luật Kinh doanh bất động sản yêu cầu các dự án bán nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng bảo lãnh. Tuy nhiên, quy định này đang bị nhiều doanh nghiệp lợi dụng trở thành “chiêu trò” bán hàng trên thị trường….
Căn hộ The Gold View
Tại một buổi lễ mở bán dự án BĐS ở Tp.HCM mới đây, nhiều khách mua rỉ tai nhau: “Mua căn hộ chung cư giờ đã bớt lo đi nhiều vì dự án nào muốn bán khi mới xây xong móng phải được ngân hàng bảo lãnh. Chẳng may chủ đầu tư không thể bàn giao nhà thì đã có ngân hàng hoàn lại khoản tiền mà chúng ta đã đóng”.
Thông tin trên chẳng khác nào mồi lửa nhen nhóm lại niềm tin vốn đã lụi tàn từ lâu với khách mua nhà sau thời gian dài nhiều người phải nhận “trái đắng” vì mua nhà trên giấy. Tuy nhiên, việc bảo lãnh dự án lại đang có xu hướng bị một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng trở thành “chiêu trò” bán hàng trên thị trường.
Thời gian qua, có không ít dự án BĐS được chủ đầu tư tuyên bố rầm rộ có ngân hàng A, B, C…đứng ra bảo lãnh. Nhưng thực tế, sau khi ra hợp đồng mua bán, không ít khách hàng mới té ngửa vì thông tin bảo lãnh mà chủ đầu tư trưng ra chỉ là vỏ bọc.
Một thông tin đáng chú ý là mới đây, Ngân hàng Nhà nước công bố danh sách 33 ngân hàng được tham gia bảo lãnh cho chủ đầu tư tại các dự án BĐS được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Điều đáng nói là, không ít ngân hàng từng được các chủ đầu tư rêu rao tham gia bảo lãnh hàng loạt dự án của mình lại không có tên trong danh sách này.
Một vị chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho biết, theo quy định trong Luật kinh doanh BĐS (đã có hiệu lực từ ngày 1/7), hoạt động bảo lãnh chỉ thực chất khi nào chủ đầu tư và ngân hàng cùng ký kết với nhau một hợp đồng bảo lãnh, trong đó ghi rõ điều khoản: khi chủ đầu tư không bàn giao nhà như cam kết hợp đồng, không triển khai dự án và trong trường hợp người mua nhà có yêu cầu thì ngân hàng sẽ đứng ra trả lại toàn bộ số tiền mà họ đã đóng cho chủ đầu tư.
Căn hộ The Ascent
Bên cạnh đó, khi chủ đầu tư ra hợp đồng mua bán thì mỗi hợp đồng bắt buộc phải có thêm phần phụ lục gọi là “chứng thư bảo lãnh” do ngân hàng đứng ra bảo lãnh dự án cam kết sẽ hoàn lại tiền nếu chủ đầu tư không bàn giao nhà như thỏa thuận.
Ghi nhận thực tế thời gian qua cho thấy, không hiếm trường hợp khách hàng đã hủy cọc khi nắm được thông tin bảo lãnh mà chủ đầu tư đưa ra không chính xác, rủi ro vẫn nghiêng về phía người mua.
Theo đại diện chủ đầu tư của một dự án chung cư ở Q.9, Tp.HCM – một trong số ít dự án có hợp đồng bảo lãnh chuẩn chỉ – cho rằng, việc quy định ngân hàng đứng ra bảo lãnh cho các dự án là nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Nhưng, nếu các doanh nghiệp thực hiện bảo lãnh giả có thể sẽ tạo rủi ro rất lớn cho khách hàng. Đó là chưa kể, khách sẽ thêm một lần nữa mất niềm tin vào chính chủ đầu tư.
Vị đại diện này cũng cho rằng, để đảm bảo an toàn, người mua phải yêu cầu chủ đầu tư dự án đưa ra đúng hợp đồng bảo lãnh đã ký két với ngân hàng bao gồm cả chứng thư bảo lãnh đi kèm với hợp đồng của từng người mua, nếu không thì việc bảo lãnh cũng chẳng có giá trị gì.
Thời điểm này đang được cho là “tranh tối tranh sáng” chờ ban hành nghị định hướng dẫn Luật kinh doanh BĐS sửa đổi, nên ở góc độ kinh doanh, nếu làm không khéo, rất có thể chủ đầu tư các dự án BĐS lại thêm một lần nữa bị người tiêu dùng tẩy chay vì mất uy tín.